DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Cụm di tích Đình, Đền, Chùa, Miếu thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà, điểm đến du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái ven sông Hồng lý tưởng !
Publish date 12/06/2023 | 16:12  | Lượt xem: 1396

Văn Uyên xa xưa có tên là thôn Đam Uyên, tên nôm là làng Thằm.

Cụm di tích Đình, Đền, Chùa, Miếu thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà, điểm đến du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái ven sông Hồng lý tưởng !

 

Nhãn

Cụm di tích thôn Văn Uyên gắn với lễ hội tổng Nam Phù, ngày nay được nhân dân quen gọi là hội hàng Tổng, gồm có sự tham gia của 7 thôn thuộc 3 xã thuộc huyện Thanh Trì và 1 thôn xã thuộc huyện Thường Tín (hội tổng Nam Phù – lễ hội hàng tổng 9 xã 10 làng xưa, huyện Thanh Trì đang làm hồ sơ công nhận di sản văn hoá Phi vật thể). Tương truyền, thời vua Lý Thánh Tông có 02 công chúa Lý Từ Thục và Lý Từ Huy, là hai chị em, cùng hai thị tỳ là Quỳnh Hoa, Quế Hoa về tu và đắc đạo tại chùa Phù Liệt (chùa Hưng Long - Đông Mỹ ngày nay). Được sự hỗ trợ của triều đình cho quân sỹ về khai hoang và bỏ tiền riêng mua trên 1.300 mẫu ruộng chia cho 10 làng trong đó có Văn Uyên (thời bấy giờ gọi là Đam Uyên), Tranh Khúc. Các bà dạy dân nghề làm ruộng, dệt vải, chăn tằm và dạy nghề làm bánh trái của chốn cung đình cho dân trong vùng. Đã bao đời nay, cứ đến rằm tháng 3 âm lịch, nhân dân các thôn lại nô nức mở hội để nhớ ơn công đức các Bà đã giáo hoá dân trong vùng nhiều điều tốt lành và để lại đồng ruộng tốt tươi.

Đình Văn Uyên thờ Thành hoàng làng Nguyễn Siêu, một vị tướng của Ngô Quyền. Theo thần phả và tư liệu điền dã, Nguyễn Siêu tên huý là Nguyễn Triển, sinh năm 924, mất năm 967, là người theo Ngô Quyền chống quân Nam Hán xâm lược, được Ngô Quyền tin dùng, giao cho cầm quân đánh giặc, làm Thống lĩnh tướng quân. Năm 944 khi Ngô Quyền qua đời xuất hiện loạn 12 sứ quân, Nguyễn Siêu xưng là Nguyễn Hữu Công giữ vùng Phù Liệt (Thanh Trì ngày nay), được sự ủng hộ tham gia chiến đấu của đông đảo nhân dân, quân binh có 10 vạn. Chỉ khi Đinh Bộ Lĩnh trực tiếp chỉ huy mới thắng được Nguyễn Siêu, thống nhất hoàn toàn các sứ quân.

Hiện nay, Đình làng còn giữ 2 bia đá cổ từ thời Lý có khắc năm tháng và di chỉ thờ thánh Nguyễn Siêu.

Để tưởng nhớ công ơn ngài, dân làng mở hội ngày mồng 6 tháng 2 hàng năm.

Chùa Kim Cương ngoài thờ phật còn gắn với sự tích Đức Thánh Chèm tên là Nguyễn Huy Du, là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Chuyện kể rằng, mẹ đẻ của ngài bị thuồng luồng ăn thịt, thương mẹ, 3 anh em chia mỗi người một khúc sông Hoàng Hà (sông Hồng ngày nay) ngồi dang chân tát cạn nước sông bắt thuồng luồng trừ hại. Để nhớ công ơn các ngài, nhân dân lập tượng thờ tại Linh Quang điện Kim Cương tự để thờ phụng.

Hiện nay trong chùa còn chuông đồng đúc từ thời Cảnh Hưng, chân tảng hoa sen, bàn đá cổ, tượng 6 tay của Đức Thánh Chèm.

Đền Trần thờ Đức Thánh Trần Trần Quốc Tuấn, lễ kỵ ngày 20/8.

Đền Thiên Ứng (hay Miếu Bà) thờ Đức Thánh Bà. Tương truyền bà được gọi là Lã Gia công chúa, khi nhà vua gặp nạn, bà mặc áo xiêm trắng báo mộng ngày giờ lên đường đánh giặc, nhờ đó nhà vua thắng trận nên nhớ công ơn bà lập đền thờ. Ngày 15/3 âm lịch hàng năm, dân làng tế lễ, dâng hương tưởng nhớ.

Bến sông khu vực cửa cụm di tích thôn Văn Uyên (vực Nhót) còn là bến cấp thuỷ của hội rước nước Đình Đông Phù ngày 6 tháng 2 âm lịch, có thể vì ba đất Văn Uyên, Đông Trạch và Đông Phù trước đây là vị trí “Đông Phủ” của phủ đệ Nguyễn Siêu thời trước nên lấy nước ở đất Đông Phủ xưa. Ngoài ra, Bến sông này còn là bến cấp thuỷ của hội rước nước hai thôn Văn Hội, Văn Giáp (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) ngày 07 tháng 4 âm lịch./.