DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Cụm di tích Đình, Chùa thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, di tích lịch sử văn hóa và nghệ thuật Quốc gia !
Publish date 12/06/2023 | 15:51  | Lượt xem: 1464

di tích lịch sử Đình - Chùa Đại Lan được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1989. Nơi đây gắn với thân thế và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Nguyễn Như Đổ.

Cụm di tích Đình, Chùa thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, di tích lịch sử văn hóa và nghệ thuật Quốc gia !

Cụm di tích đình và chùa Đại Lan đến nay chưa xác định rõ được xây từ khi nào nhưng chắc chắn chí ít có từ đầu thế kỷ XV do liên quan sự kiện năm 1442 danh nhân Nguyễn Như Đổ thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ về làng vinh quy bái tổ và tới Đình làng để lễ tạ ơn các vị Thành hoàng.

Nhãn

Tương truyền, Đình Chùa Đại Lan xa xưa được xây dựng sát bờ sông Hồng, qua nhiều lần sạt lở do biến động của sông Hồng, nhân dân khi sống ở bờ Nam, lúc phải chuyển sang bờ Bắc làm ăn sinh sống, Đình Chùa cũng di chuyển theo. Mãi đến năm 1959, Đình Chùa được xây ở xóm Nghè (nay là xóm 2) và ổn định đến ngày nay. Năm 1989, cụm di tích này được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Đình Đại Lan thờ 3 vị Thành Hoàng làng: Linh Hồ, Minh Chiêu, Cung Mục là các danh tướng của vua Hùng Duệ Vương (Hùng vương thứ 18) và danh nhân Nguyễn Như Đổ.

Đình mang kiến trúc hình chữ “Đinh” gồm 3 gian tiền đình và 2 gian hậu cung. Một bức hoành phi dạng cuốn thư và một cửa võng được đục chạm rất tinh xảo mang nét truyền thống: lưỡng long triều nhật, rồng cuốn thuỷ, long mã tranh châu, phượng múa… Cũng tại đây bày một hương án với những mảng điêu khắc kín xung quanh diềm. Trong hậu cung có một khám lớn, đặt các long ngai và bài vị của ba vị Thành hoàng làng.

Đôi câu đối còn lưu truyền đến nay tại Đình Đại Lan vừa ca ngợi công tích của thần hoàng làng vừa minh chứng về lịch sử lâu đời của vùng đất Duyên Hà ghi:

Bình Thục nguyên nhung sử sách đan thanh lưu vĩ tích

Khai Lan hoa nhị thân hào mỹ đại ngưỡng anh uy

Dịch nghĩa:

Đánh giặc Thục, ngài là đấng nguyên nhung, sử sách còn ghi công vĩ đại

Mở đất Đại Lan, thần là bậc hào kiệt, lòng dân ngưỡng mộ oai linh

Theo thần tích, vị thần thôn Đại Lan có sở trường đánh gậy dài. Khi ra trận một mình một gậy tả xung hữu đột, ngài có thể đánh thắng hàng trăm quân giặc. Có lẽ từ sự tích ấy mà trong ngày hội hằng năm không thể thiếu môn võ gậy. Đánh gậy để tưởng nhớ công lao các vị thần, đồng thời cũng rèn sức, rèn trí giữ yên xóm làng. Đại Lan xưa có đội võ gậy nổi tiếng, từng được tham gia thi đấu tại trường đấu Giảng Võ trong kinh thành Thăng Long và từng đoạt giải.

Đôi câu đối trong Đình lưu truyền câu chuyện thần Linh Hồ báo mộng cho tướng Trần Hưng Đạo bày trận ở Cửa Hàm Tử bắt được tướng giặc Nguyên là Ô Mã Nhi: “Hàm Tử cầm Hồ mạt trợ Trần gia thiên tải hậu/ Lam Sơn bình Thục diệm truyền hùng lạc ức tiên sơ”. (Nghĩa là: Hàng ngàn năm sau báo mộng cho nhà Trần bắt được tướng nhà Hồ ở cửa Hàm Tử/ Chiến công đánh giặc Thục ở núi Lam Sơn được lưu truyền mãi mãi đến hàng ức năm sau).

Ngọc phả đình thôn Đại Lan ghi chép về 18 vị thi đỗ từ cử nhân đến bảng nhãn, trong đó 7 vị đỗ tiến sỹ. Cuối thời nhà Nguyễn, thôn Đại Lan có tổng số 35 vị khoa bảng đỗ từ Sinh đồ trở lên, trong đó 9 vị làm quan giữ các trọng trách tại triều đình. Tiêu biểu là danh nhân Nguyễn Như Đổ, sinh năm Giáp Thìn (1424 - 1526), người thôn Đại Lan, là một đại thần nhà Lê, thi đỗ bảng nhãn năm 1442 thời vua Lê Thái Tông, làm quan trải 8 triều, tới chức Thượng Thư với tước Quận công, ba lần đi sứ Trung Quốc, thọ trên trăm tuổi. Khi đỗ tiến sỹ, ông vinh quy về làng; 18 năm sau được phong Lại bộ Thượng thư, ông về thôn ra đình tạ Thành Hoàng và cung tiến đôi câu đối, khi đi sứ được ban thưởng báu vật, ông cũng mang về xin cung tiến vào đình làng. Ở Văn Miếu, tấm bia tiến sỹ đầu tiên khắc tên ông.

Đôi câu đối trong đình ca ngợi tài năng và công lao đóng góp của Nguyễn Như Đổ như sau: “Nhất giáp tán nho lâm đẩu sơn tại vọng/ Bát triều chi quốc lão thư quyển lưu hương” (Nghĩa là: Đỗ Nhất giáp tiến sỹ uy tín rạng rỡ cả rừng nho ví như sao Bắc Đẩu, núi Thái Sơn/ Phò tám triều vua cuối đời được triều đình phong là quốc lão sử sách lưu hương)

Theo truyền thuyết và ngọc phả Thành hoàng thôn Đại Lan cho biết, nơi đây có ngôi miếu thờ thuỷ thần linh thiêng, khúc sông này có 1 loại cá Lăng khá to và đây là khúc sông dòng nước nghịch, dân chài qua lại thường lên bờ cầu khấn trước khi buông lưới. Tương truyền, thân mẫu của thần Linh Hồ khi mang thai ngài rất thích ăn gỏi cá Lăng, nên khi làm lễ tế thần ở Đình Đại Lan phải có lễ Cá Lăng. Cho đến ngày nay, ngày 7/1 âm lịch hằng năm nhân dân vẫn tổ chức Đại tiệc Cá Lăng tại Đình làng.

Hiện nay, trong Đình làng còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị gồm: 9 bản sắc phong của các triều vua với 3 vị thần hoàng. Một cửa võng, ba long ngai bài vị, một hương án, hai án văn, hai cây trúc hoá long nghê, 2 bộ kiệu, bát hương gốm, chén sứ, những hiện vật này đều mang nét nghệ thuật thế kỷ XVIII, bốn nậm rượu tương truyền của Nguyễn Như Đổ đi sứ Trung Quốc đem về cung tiến vào Đình, một cuốn Thần phả, danh sách ghi danh 18 vị khoa bảng của làng được khắc trong văn chỉ, cùng nhiều câu đối.

Lễ hội thôn Đại Lan diễn ra ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng. Thôn tổ chức rước nước từ sông Hồng về từ ngày 23 tháng Chạp. Phần lễ trong ngày hội có rước kiệu Đức thánh Bà, rước kiệu Long Đình, lễ tế hội đồng. Trong ba ngày hội tổ chức thi vật, đánh gậy.

Chùa Đại Lan có quy mô kiến trúc khá lớn với 2 ngôi nhà liên tiếp nhau. Nhà tiền tế để trống là nơi hội họp của dân làng, nhà phía sau làm chùa thờ Phật. Tiền tế được trang trí những đề tài điêu khắc truyền thống như rồng, phượng, hoa, lá.

Nhà phía sau chùa được xây kiểu chữ “Đinh”, ba gian tiền đường gắn thông với 2 gian hậu cung. Trang trí đề tài truyền thống như tứ linh, tứ quý, hai bức cốn nách thể hiện rồng mây ẩn hiện.

Hậu cung xây các bệ cao dần lên từ ngoài vào trong, trên đặt tượng Phật, Tam Thế, A Di Đà, Ngọc Hoàng với 2 bên là Phạm Thiên, Đế Thích, Thích Ca sơ sinh trong vòng Cửu Long với 2 bên là Kim Đồng và Ngọc Nữ. Ở sát hai bên tường hậu cung có tượng Quan Âm toạ sơn, Quan Âm tống tử, Thổ Thần. Phía ngoài tiền đường có bệ thờ Đức Ông, Thánh Hiền, Diệm Nhiên, Đại Sĩ.

Ngoài các tượng Phật, chùa Đại Lan còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị như cửa võng, hương án, bát hương thời Lê, một đôi lọ sứ thời Thanh, hai quả chuông, bốn bức hoành phi và hai đôi câu đối.

Chùa Đại Lan còn gắn với sự tích Bà Chúa dâu tằm. Theo Ngọc phả thôn Đại Lan, vào cuối thời nhà Mạc, thế kỷ XVI, khi nhà Mạc thất thủ phải chạy lên Cao Bằng, có vị cung phi hiệu là Tây Lang Thị về đây lánh nạn đã dạy cho dân làng nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ. Chẳng bao lâu thôn Tranh Khúc, Đại Lan nổi tiếng là vùng đất trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ ở kề cận kinh kỳ. Hằng năm, dân làng vẫn long trọng tổ chức Lễ giỗ để tưởng nhớ Bà./.