DI TÍCH LỊCH SỬ
Làng Tranh Khúc có 320 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu. Nghề nghiệp chủ yếu của nhân dân là sản xuất nông nghiệp và nghề làm bánh, một số ít làm công nhân nhà nước.
Làng Tranh Khúc nổi tiếng với nghề làm bánh chưng gắn liền với sự tích bánh Chưng bánh Dày đã được lưu truyền qua bao thế hệ người dân Việt: Đời vua Hùng thứ 6, nhà vua muốn tìm một loại lễ vật để cúng Tiên Vương. Trong khi những người con khác mang đến sơn hào hải vị, thì chàng hoàng tử thứ mười tám là Lang Liêu khi được thần nhân mách bảo, đã mang đến hai món bánh ngon làm từ hạt gạo thân thuộc là bánh chưng và bánh dày, lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất, lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu. Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
Nghề làm bánh của thôn Tranh Khúc có thể bắt nguồn từ thời nhị vị công chúa Lý Từ Thục và Lý Từ Huy cùng hai thị tỳ là Quỳnh Hoa, Quế Hoa tu hành, đắc đạo tại chùa Phù Liệt. Các bà dạy dân nhiều nghề trong đó có nghề làm bánh trái của chốn cung đình và nghề làm bánh được duy trì đến ngày nay.
Hiện nay xã Duyên Hà có trên 250 hộ dân làm bánh trong đó có trên 110 hộ sản xuất thường xuyên (các hộ còn lại sản xuất theo mùa vụ), các hộ làm nghề nằm ở 3 thôn trong đó tập trung chủ yếu tại thôn Tranh Khúc. Công tác chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh toàn bộ làm thủ công, khâu luộc bánh chủ yếu dùng nồi điện 3 pha, có trên 10 hộ gia đình dùng nồi hơi, góp phần tiết kiệm chi phí, nhiên liệu, thân thiện với môi trường. Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và góp phần kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, trên 40 hộ dân đã đầu tư máy hút chân không đóng gói bánh chưng. Nhờ áp dụng công nghệ, lựa chọn nguyên liệu chất lượng nên sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, trở thành địa chỉ uy tín trong lòng người dân Hà Thành nên lượng đặt hàng ổn định và tăng cao dịp cuối năm. Sản lượng bánh cung cấp cho thị trường khoảng 23 000 – 25 000 chiếc/hộ/năm, doanh thu ước tính 990 triệu đồng/hộ/năm, thu nhập bình quân lao động làm nghề đạt 6,5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Dịp gần Tết Nguyên đán, lực lượng lao động địa phương không đủ đáp ứng, còn thu hút lao động các tỉnh đến làm thời vụ.
Làng Tranh Khúc được UBND Thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2011, đăng ký nhãn hiệu tập thể, được cung cấp hệ thống mã vạch riêng, xây dựng website http://banhchungbanhdaytranhkhuc.com để giới thiệu, bán hàng trực tuyến, có 1 cơ sở sản xuất sản phẩm bánh chưng đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao, 1 cơ sở sản xuất có 2 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao là bánh chưng ngũ sắc và bánh chưng nếp cẩm. Xã có phương án bảo vệ môi trường được phê duyệt, 100% hộ dân làm nghề được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kiến thức tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu. Gần Tết Nguyên đán hằng năm, Đài Truyền hình quốc gia thường về quay hình ảnh làm tư liệu quảng bá. Sản phẩm bánh chưng Tranh Khúc được quảng bá rộng rãi, tham gia các chương trình hội chợ, lễ hội văn hoá ẩm thực do Thành phố, các Sở ngành tổ chức, sản phẩm được nhiều người tin dùng và đánh giá cao. Hiện nay thị trường cung cấp bánh chưng Tranh Khúc không chỉ khắp Hà Nội mà còn sang các tỉnh khác.
Sau khi tham quan làng nghề, du khách có thể đến thăm khu giới thiệu sản phẩm, trình diễn và trải nghiệm để xem trình diễn gói bánh, tự tay trải nghiệm các công đoạn làm các loại bánh truyền thống của làng nghề cũng như mua các sản phẩm của làng nghề như bánh chưng, bánh dày, bánh gai, bánh khúc, bánh nếp, bánh tẻ, bánh gio…, mua các sản phẩm nông sản theo mùa trồng tại địa phương và các sản phẩm OCOP của huyện Thanh Trì./.