DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Cụm di tích Đình, Chùa, Miếu thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà du lịch tâm linh vùng châu thổ sông Hồng gắn với làng nghề truyền thống làm bánh chưng của Hà Nội !
Ngày đăng 13/06/2023 | 16:10  | Lượt xem: 2765

Nhãn

Cụm di tích Đình, Chùa, Miếu thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà du lịch tâm linh vùng châu thổ sông Hồng gắn với làng nghề truyền thống làm bánh Hà Nội !

 

Thôn Tranh Khúc có tên nôm là làng Tranh, tương truyền xa xưa có thời kỳ lũ sông Hồng làm sạt lở làng thành 2 khúc, cũng có thể tên gọi Tranh Khúc bắt nguồn từ sự kiện đó.

Tranh Khúc có nghĩa là Khúc đàn Tranh là một loại nhạc cụ thích hợp với phụ nữ biểu diễn. Con gái làng Tranh không chỉ nức tiếng xinh đẹp mà còn đảm đang, tài hoa. (Đẹp nhất con gái làng Tranh (Ca dao)).

Thôn Tranh Khúc nằm giáp thôn Văn Uyên và thôn 1 xã Vạn Phúc, là khu vực nằm ven bờ nam sông Hồng. Nơi đây phong cảnh non nước hữu tình, trên bến dưới thuyền rất đẹp.

Cùng với cụm di tích thôn Văn Uyên, Cụm di tích thôn Tranh Khúc gắn với lễ hội hàng tổng. Miếu Bóng (hay đền Tranh Khúc) thờ 2 Cô Bơ và Nhị vị công chúa Lý Từ Thục, Lý Từ Huy. Miếu nằm bên bờ sông Hồng, là Bến cấp thủy của lễ hội Tổng Nam Phù liệt vào sáng 14 tháng 3 Âm lịch. Sau khi lễ thuỷ thần, đọc sớ xin hà bá thổ thần mang nước về làm lễ mộc dục, đoàn cử đại diện xuống thuyền đi xuôi dòng hết địa phận làng Tranh Khúc thì quay lại ngược dòng bái yết miếu Bóng, rồi đi hết địa phận làng Văn Uyên ở thượng lưu, ra giữa sông chọn dòng chảy có nước trong sạch để múc nước. Sau khi múc đủ 18 gáo nước thì đoàn thuyền quay về bến rước nước về chùa Hưng Long.

Đình Tranh Khúc thờ Thần hoàng tên hiệu Càn Bối Đại Vương, là võ quan được phong tước hầu Đại vương. Do nhiều lần nước sông dâng lên ngập đình, Đình Tranh Khúc đã được nhân dân bao đời nối tiếp nhau giữ gìn và tôn cao, tu sửa trên nền cũ, đình hiện nay dù đã nhiều lần tu tạo vẫn còn nhà Thêu hương không bị tháo dỡ mà giữ nguyên đôn lên cao, vẫn giữ được kiến trúc, hoa văn từ thời Lê.

Đình làng hiện nay còn đôi hạc thờ ghi “Cảnh Hưng thập cửu niên” (Năm Cảnh Hưng thứ 19, tức năm 1755, thời vua Lê Hiển Tông), cách đây gần 270 năm; 1 bộ Long vị cổ; 2 cây muỗm cổ thụ không xác định được bao nhiêu tuổi.

Lễ hội thôn Tranh Khúc được tổ chức ngày mồng 7 tháng Hai hàng năm.

Chùa Tranh Khúc thờ Phật, là nơi thực hành tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Chùa hiện nay còn lưu giữ được 01 chuông cổ./.